Thiếu trầm trọng nhân lực nghề may thời trang
Thứ Hai, 30/07/2018 | 10:34 GMT+0000
Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh ngày càng được mở rộng nên các DN may luôn thiếu công nhân may thời trang có tay nghề, trong khi số lượng đào tạo chỉ mới đáp ứng được 10 – 20%.
Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ, cũng như các nghề cơ khí, may thời trang đang rất khát nhân lực, nhưng phía cung không thể đáp ứng cầu khi nhiều người chỉ muốn làm những công việc nhẹ nhàng. Không chỉ thế, có những người đang hiểu chưa đúng về thị trường nhân lực ngành dệt may.
“Dù cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc sẽ thay thế con người, nhưng với ngành dệt may có áp dụng khoa học kỹ thuật, nhập dây chuyền tự động vào sản xuất thì các công đoạn từ lập trình, cắt, may… đều cần có những người thợ đã qua đào tạo. Hơn nữa, trong cuộc sống hiện nay, mọi người rất chú trọng đến việc ăn mặc nên nghề may thời trang luôn song hành và phát triển” – thầy Hùng nói.
Hiện ở khu vực miền Bắc có một số trường đào tạo ngành dệt may với đa dạng các bậc học từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học. Với mỗi trình độ đào tạo thường đáp ứng với yêu cầu và vị trí việc làm khác nhau. Trường Trung cấp nghề Nấu ăn – Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội có bề dày đào tạo nghề may thời trang hơn 40 năm nên chất lượng sản phẩm ra trường được DN đánh giá cao.
Thầy Hùng cho biết, nhà trường thường xuyên điều chỉnh chương trình đào tạo (3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng) có tới 30% nội dung hướng theo nhu cầu DN và 30 – 50% thời gian người học được đến DN thực tập. Với cách làm này, học viên có nhiều trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về nghề, nhà trường tiết kiệm được kinh phí mua thiết bị thực hành, còn DN lại tuyển được người lao động theo ý muốn.
Thầy Nguyễn Xuân Hùng cho biết thêm, để có thể làm quản lý, trước tiên phải là người thợ giỏi, làm việc ở nhiều bộ phận và DN để hiểu, tích lũy kinh nghiệm. Khi nắm vững được quy trình công nghệ, có thể làm quản lý dây chuyền may, xưởng may… Với cách thiết kế chương trình nghề may thời trang theo hướng cơ bản, sau khi ra trường làm việc một thời gian, người học có thể quay lại trường học khóa chuyên đề chuyên sâu để phát triển thiết kế và may đo theo nhu cầu của khách. Điều quan trọng nhất đối với người học là xác định rõ ràng việc học nghề, lấy việc học làm trung tâm và yêu nghề mới có thể thành công.
Thầy Nguyễn Xuân Hùng cho biết thêm, để có thể làm quản lý, trước tiên phải là người thợ giỏi, làm việc ở nhiều bộ phận và DN để hiểu, tích lũy kinh nghiệm. Khi nắm vững được quy trình công nghệ, có thể làm quản lý dây chuyền may, xưởng may… Với cách thiết kế chương trình nghề may thời trang theo hướng cơ bản, sau khi ra trường làm việc một thời gian, người học có thể quay lại trường học khóa chuyên đề chuyên sâu để phát triển thiết kế và may đo theo nhu cầu của khách. Điều quan trọng nhất đối với người học là xác định rõ ràng việc học nghề, lấy việc học làm trung tâm và yêu nghề mới có thể thành công.
Theo Báo Kinh Tế & Đô Thị